Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 173 phát hành ngày 15-06-2013

,
- Bài xã luận của bán nguyệt san.
Xin cảm ơn Quý vị đã đón nhận và tiếp tay phổ biến, nhất là phổ biến ngược về trong nước cho Đồng bào thân yêu.
Ban biên tập báo TDNL

Xây dựng hòa bình và lòng tin kiểu Cộng sản !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 173 (15-06-2013)

            · Trong lịch sử nhân loại, có thể nói cái chế độ đề cập đến hòa bình nhiều nhất và tự cho mình cổ vũ hòa bình hăng nhất là chế độ Cộng sản. Chẳng hạn Stalin, nhân dịp kỷ niệm 70 tuổi (1949), đã đặt ra “Giải thưởng Quốc tế Stalin vì sự củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. Tố Hữu, trong thi phẩm "Bài Ca Tháng Mười" sau đó, cũng xưng tụng ông ta như sau: “Hoan hô Stalin. Đời đời cây đại thụ. Rợp bóng mát hòa bình…”. Lãnh tụ Liên xô Krutchev, kế vị Stalin, là người đã đưa ra quan niệm “Sống chung hòa bình” thời Chiến tranh lạnh. Cũng lãnh tụ này, sau diễn văn đọc tại Đại hội đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 nhằm tố cáo tội ác kẻ tiền nhiệm ngày 6-9-1956, đã đổi giải thưởng Quốc tế Stalin thành “Giải thưởng Quốc tế Lenin vì sự củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. Mao Trạch Đông thì từ tháng 11-1968, đã cùng ký với Mỹ một thỏa thuận cùng tồn tại hòa bình. Ông ta còn cho thành lập tại Việt Nam các tổ chức gọi là “Hoa kiều hòa bình liên hiệp hội”. Cộng sản Hà Nội cũng không thua kém. Ông Hồ Chí Minh, trong lời phát biểu tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa I (1958) có khoe rằng: “Trên thế giới, lực lượng của phe hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa đã mạnh hơn hẳn lực lượng phe đế quốc gây chiến… Hiện nay trên thế giới đang sôi nổi phong trào đấu tranh để củng cố hòa bình, đòi đình chỉ thử vũ khí nguyên tử… Lực lượng hòa bình và cách mạng thế giới đang tiến lên mạnh mẽ…”.
            Thế nhưng ai cũng thấy chính các chế độ CS là những kẻ gây hận thù và gieo máu lửa khắp nơi, trước hết trên lý thuyết bằng cách cổ vũ cuộc “đấu tranh giai cấp” trong xã hội, cuộc đối đầu sống mái giữa Tư bản và Cộng sản trên toàn cầu. Trong thực tế, Stalin chính là kẻ đã lợi dụng Thế chiến thứ 2 để xâm lăng các nước Đông Âu. Về tên đồ tể khét tiếng này, người ta còn truyền tụng một câu chuyện. Sau khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, hôm nọ Lênin cùng các đồng chí thân cận như Trotsky, Zinoviev, Kamenev và Stalin làm một cuộc dã ngoại. Lênin hỏi từng đồng chí về niềm vui lớn nhất trong đời mình. Trotsky thì nói đó là làm nổ tung nhiều cuộc cách mạng khắp thế giới, Zinoviev nói đó là mê hoặc được quần chúng bằng tài hùng biện, Kamenev cho rằng đấy là hưởng thụ khoái lạc. Riêng Stalin trả lời: “Niềm vui lớn nhất của tôi là có ai đó mình rất thù ghét, nhưng lại làm cho hắn tưởng được yêu thương trân trọng. Đến một hôm hắn âu yếm ôm chầm lấy mình, chính lúc đó mình cầm con dao đâm chết hắn từ sau lưng. Đối với tôi, đó mới thật là niềm vui khôn tả”! Krutchev thì đem tên lửa đến Cuba để nhắm vào nước Mỹ năm 1962 và được Castro đề nghị tấn công phủ đầu Hoa Kỳ bằng bom nguyên tử. Lãnh tụ Cuba này lại đem quân chiếm Angola từ năm 1975 đến 1989. Brejnev thì ra lệnh cho quân đội Liên Xô xâm lược Afganistan từ 1978 đến 1992. Mao Trạch Đông, sau khi chiến thắng Tưởng Giới Thạch năm 1949, đã lập tức thôn tính Mông Cổ, Mãn Châu, Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Trung Cộng tiếp đó chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đánh phá 6 tỉnh biên giới năm 1979 rồi 1984… Hồ Chí Minh, đang khi phát biểu những lời nói trên từ “thủ đô vì hòa bình”, đã chuẩn bị gieo khủng bố máu lửa lên Việt Nam Cộng hòa và quyết tâm chiếm miền Nam, thống nhất đất nước bằng bạo lực. Người ta còn nhớ Tố Hữu, trong thi phẩm “Bài ca xuân 68”, đã viết những vần thơ “Bóng Anh đi... và vành mũ tai bèo của Anh đó! Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ. Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành…” để xưng tụng những kẻ gieo kinh hoàng giữa ngày xuân và chôn sống hàng ngàn nạn nhân vô tội. Sau sự kiện Mậu Thân này, Hà Nội lập ra “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam” để quấy rối chế độ Sài Gòn và tiếp tay cho Cộng sản. Năm 1979, Hà Nội cất quân xâm chiếm Camphuchia và ở lại đó đến 10 năm. Từ 1975 tới nay, Cộng sản không ngớt kêu gọi hòa hợp hòa giải nhưng chẳng ngừng đàn áp nhân dân trong nước, lừa gạt người Việt hải ngoại, thậm chí treo cờ vàng cũng bị án 14 năm tù (hai em Uyên-Kha)…
            · Hiện nay, những cuộc chiến tranh lớn như thế kỷ trước xem ra vắng bóng, chiến trường hình như được thị trường thế chỗ, thời đại đối đầu có vẻ nhường bước thời đại đối thoại. Nhân loại đề cao sự hợp tác trong niềm tin cậy lẫn nhau. Và một lần nữa, Cộng sản cũng tỏ ra là nhà vô địch cổ vũ chuyện này qua mỹ từ “xây dựng lòng tin chiến lược”. Tháng 8-2009, trong cuộc họp tại New Dehli, Bộ Ngoại giao Bắc Kinh nhấn mạnh công việc cần thiết nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ là xây dựng lòng tin chiến lược. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 2-2012, Tập Cận Bình, lúc ấy còn là Phó chủ tịch nước, cũng đề cao tầm quan trọng của lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế: “Với chúng tôi, lòng tin chiến lược là nền tảng của sự hợp tác để hai bên cùng có lợi, và lòng tin càng lớn, sự hợp tác càng rộng rãi”, rằng “TQ và HK nên tăng cường lòng tin chiến lược, tôn trọng những quyền lợi cốt lõi và những mối quan tâm của nhau”, rằng “Không có niềm tin thì người ta chẳng đạt được gì cả”. Sau khi được bầu vào chức vụ thủ tướng ngày 17-3-2013, Lý Khắc Cường tuyên bố: “Bắc Kinh cam kết không theo đuổi chính sách bá quyền”. Ngày 27-3-2013, trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Ấn Manmohan Singh, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh khái niệm này. Hai tháng sau, trong chuyến viếng thăm Ấn Độ, Lý Khắc Cường lại nhấn mạnh lần nữa việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước. Mới đây, tháng 4-2013, tiếp một phái đoàn quân sự cao cấp của Mỹ tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình cũng lại lên giọng hùng hồn về “lòng tin chiến lược”.
            Thế nhưng, ai cũng thấy rõ ràng Trung Cộng đang trở thành đối tượng nghi kỵ số một trên toàn thế giới. Tác phẩm thời sự “Chết bởi Trung Quốc” của Peter Navarro và Greg Autry đang cảnh báo thế giới về mối hiểm họa Tàu cộng vốn ngày càng lộ diện qua thuốc độc, hàng tồi, rác thải, điệp viên, tin tặc, ô nhiễm môi trường, lũng đoạn kinh tế, chiếm cứ xâm lược từ Âu sang Á, từ Úc sang Mỹ. Các nước nghèo ở châu Phi, châu Mỹ cho đến các nước giàu ở châu Âu, châu Úc đang ngày càng thấy rõ ý đồ đen tối, đê tiện và thâm hiểm của Trung Nam Hải, kế hoạch đầu độc thế giới và chiếm cứ địa cầu của nòi Đại Hán, của Con Rồng Đỏ. Tập Cận Bình đang lợi dụng và khai thác tối đa tinh thần thượng tôn dân tộc cố hữu của các triều đại vua chúa Tàu, khích động hết mức tinh thần quốc gia cực đoan với khẩu hiệu “phục hưng đại dân tộc Trung Hoa”, biến Trung Quốc thời Cộng sản thành bá chủ khu vực như thuở nào. Chính vì thế, Bắc Kinh tiếp tục đàn áp dã man các thuộc quốc và thuộc dân Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng đang vùng lên đòi độc lập.
            Đối với Việt Nam, ngay sau khi nhận chức Tổng Bí thư đảng tháng 11-2012 và Chủ tịch Nhà nước tháng 3-2013, Tập Cận Bình đã chấp thuận chính sách “bảo vệ an ninh và chủ quyền biển” của Trung Cộng ở Đông Hải vốn đã khởi sự từ hơn thập niên nay. Ông ta cũng đồng ý kế họach tập trận và tấn công ở Biển Đông của Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến như đã diễn ra ở vùng Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam từ nhiều năm rồi. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiếp tục ra lệnh cấm đánh cá hàng năm từ tháng 5 đến cuối tháng 8 trên Biển Đông, nói là để bảo vệ nguồn hải sản, nhưng thật ra là để dùng lực lượng Hải quân hộ tống hàng trăm tầu đánh cá tối tân của mình đến đánh bắt tự do ở vùng biển rộng lớn này, đồng thời ngăn chận, cướp bóc, tông vỡ, bắn cháy thuyền bè của ngư dân Việt lẫn Phi… Đấy là chưa kể Trung Cộng tiếp tục xâm lăng nội địa Việt Nam trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại…
            Đứa học trò của Tàu Cộng là Việt Cộng cũng tiếp tục bài học của thầy qua lối cổ vũ việc xây dựng “lòng tin chiến lược”. Bài diễn văn của Nguyễn Tấn Dũng đọc tại Đối thoại Shangri-La hôm 31-05-2013 -mà theo các chuyên gia, chắn hẳn không do người đọc tự viết hay do bộ hạ của người đọc viết dùm, mà có thể do một tác giả đang sống đâu đó tại Trung Nam Hải- rõ ràng cùng giọng điệu như các lãnh đạo Trung Quốc: “Nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. VN chúng tôi có câu thành ngữ "mất lòng tin là mất tất cả". Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành. Trong thế kỷ 20, Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung vốn là chiến trường ác liệt, bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ. Có thể nói cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nói cách khác, chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”.
            Nói thế, nhưng trong chính trị đối ngoại, Hà Nội từ bao nhiêu năm vẫn chỉ có lòng tin chiến lược đối với Bắc Kinh, hay đúng hơn chiến lược lấy lòng tin của Tàu cộng. Trên lý thuyết thì qua niềm tin tưởng vào tình “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, nên năm 1974 đã từng cảm ơn Tàu cộng chiếm giùm để sẽ trao lại Hoàng Sa lấy được từ Việt Nam Cộng Hòa; qua việc mù quáng ôm chặt “16 chữ vàng”, “4 chữ tương”, “4 chữ tốt” đã được Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Đào dạy dỗ; qua việc liên tục triều kiến, bái yết, khấu đầu Bắc Kinh của hàng lãnh đạo, gần đây là của tân thành viên bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân và tới đây là của Trương Tấn Sang chủ tịch nước. Trên thực tế thì liên tục nhường đất đai Tổ tiên từ lãnh thổ đến lãnh hải, từ biên giới đến nội địa, từ rừng đến phố, từ mỏ đến cảng… Trong chính trị đối nội, chiến lược tạo lòng tin với Bắc Kinh của Hà Nội liên tục thể hiện qua việc đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình của nhân dân phản đối xâm lược, việc kết án nặng nề các công dân yêu nước cảnh báo hiểm họa Trung Quốc, việc hành hạ tàn nhẫn những tù nhân lương tâm chống báng Tàu cộng, việc đem hình ảnh cờ Trung Quốc lẫn bản đồ đường lưỡi bò vào sách giáo khoa, cẩm nang du lịch, chương trình truyền hình thời sự, các cuộc đón tiếp lãnh đạo nước đàn anh, việc thường xuyên nhồi sọ nhân dân là hãy để đảng và nhà nước lo chuyện đối ngoại.  
        Thử hỏi một chiến lược xây hòa bình và lấy lòng tin với địch thù truyền kiếp qua việc biến nhân dân yêu nước thành thù địch nội địa để gây bất an khốn khổ cho cuộc sống họ như vậy, đồng bào nghĩ sao và phải hành động như thế nào?
            Ban Biên Tập

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Chuyến đi thăm bà con dân oan đang tranh đấu tại tỉnh Nghệ An (Một bài viết của tôi)

Chuyến đi thăm bà con dân oan đang tranh đấu tại tỉnh Nghệ An

Cha ông ta đã đánh đổi bao công sức làm cách mạng để hy vọng đất nước Việt Nam thân yêu có “độc lập-tự do-hạnh phúc”. Đất nước Việt Nam được tiếng là đã giành độc lập, nhưng biết bao năm qua, ấm no hạnh phúc ở đâu tôi không thấy, ngoài những lời rao giảng tuyên truyền ra rả đêm ngày trên ti vi của nhà cầm quyền cộng sản.
Kể từ khi tôi tìm hiểu về thông tin trên các trang mạng, tôi thấy nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam càng chất chồng nhiều hơn trước. Những người dân oan mất nhà, mất đất, bị đánh đập dã man tàn bạo, những cơ sở giáo hội bị công an, chính quyền CSVN đàn áp khống chế…  Chẳng phải những cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam là để dành “độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc” hay sao? Những điều đó nay ở đâu mà người dân phải chịu khổ ải đày đọa bất công đến như vậy ??? Tôi thật sự đau xót cho dân tộc Việt Nam mình còn quằn quại dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN. Vừa qua, tôi đã được xem một số bài viết của chị Hồ Thị Bích Khương về một số bà con tại tỉnh Nghệ An. Nội dung những bài viết này nói về những bức xúc, phẫn nộ của bà con trong các huyện thuộc tỉnh Nghệ An, liên quan tới những vụ việc oan sai chưa được giải quyết, có 350 người dân trong tỉnh này cùng muốn nói lên tiếng nói oan ức của mình đối với công luận. Tôi thật thán phục tinh thần đoàn kết và lòng ngay thẳng của những người dân Nghệ An anh dũng can đảm, dám đứng lên cất cao tiếng nói thẳng vào mặt nhà cầm quyền độc tài CSVN đang cai trị toàn bộ xã hội. Tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng thu xếp tới tận nơi để thăm một vài người cho tường tận sự việc, để an ủi bà con dân oan tại đó trong hoàn cảnh hiện tại của họ, và sau nữa là có cơ hội chia sẽ với các bác các chú các cô về tình yêu của Chúa.
Chiều ngày 2 Tết Canh Dần mới rồi, tôi cùng con trai 14 tuổi, tranh thủ bắt xe ô tô khách để vào nhà chị Hồ Thị Bích Khương tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mục đích của chuyến đi này là qua chị Bích Khương, tôi sẽ đến thăm hỏi động viên những người dân oan thống khổ.
Đến huyện Tân Kỳ – Nghệ An.
Sáng 16-2-2010 (3 Tết Canh Dần), tôi và chị Khương dùng chiếc xe máy của chị vượt một quãng đường 60km trong trời mưa rét để tới thị trấn huyện Tân Kỳ. Dù quãng đường không xa, nhưng vì trời mưa quá lớn  nên chúng tôi phải chạy hết 2 giờ đồng hồ mới tới thị trấn Tân Kỳ đó. Người đầu tiên tôi đến thăm gặp là thầy giáo Sáng, hiện là giáo viên dạy cấp 2 phổ thông. Người đã từng bỏ công sức hy sinh cho những người dân thấp cổ bé miệng tại quê hương mình để đi đòi công lý. Trời mưa và gió suốt quãng đường, cộng  thêm giá rét của miền bắc Trung Bộ, lại đi bằng xe máy, nên tôi và chị Khương bị bùn đất phủ kín gần đến đầu. Cởi bỏ áo mưa thì quần áo chúng tôi cũng bị ướt hết.  Và trong giá lạnh, tôi cảm thấy ấm lòng vì thái độ hiếu khách của gia đình người thầy giáo nghèo nhưng rất giàu lòng nhân ái. Thầy Sáng ra tận bến xe ô tô Tân Kỳ để đón chúng tôi và nhiệt tình dẫn về nhà thầy nghỉ ngơi.  Thấy chúng tôi bị rét lạnh thầy đốt than cho chúng tôi sưởi ấm. Trong bữa cơm thân mật cùng vợ chồng thầy cô Sáng, chúng tôi được thầy cô say sưa kể lại những sự việc bất công đã xảy ra với gia đình mình cùng với những người dân trong vùng ra sao. Vợ thầy Sáng, một giáo viên đã về hưu nói với chúng tôi: “Nếu chồng tôi không tham gia khiếu kiện và giúp nhân dân thì cuộc sống của gia đình tôi đã khá hơn hiện nay rất nhiều, nhưng vì chồng tôi vốn tính thương người, ngay thẳng không muốn chấp nhận những bất công nên không những chỉ kiện cho riêng mình mà anh ấy còn hay giúp đỡ nhiều người khác cùng kiện tụng. Vì chi phí đi lại quá tốn kém, tiền lương của anh cho đến nay được 7  triệu mỗi tháng, cả lương tôi là gần chục triệu đồng, nhưng cũng chẳng sắm sửa được gì, vì phải chi cho việc đi lại khiếu kiện, phần thì thuốc men cho tôi hay đau ôm, phần thì thuê người làm. Tôi và các con cũng nhiều lần ngăn cản vì thấy quá tốn công sức mà chẳng được gì, vì bây giờ chẳng có công bằng đâu, nếu có thì họ đã giải quyết cho mình rồi, nhưng chồng tôi không nghe. Bây giờ thấy anh thật lòng nhiệt huyết với những mong muốn sự công bằng trong xã hội và giúp đỡ người khác nên tôi cũng vui lòng ủng hộ anh thôi ”.
Bữa cơm kéo dài thời gian bởi chuyện đời sống xã hội dưới chế độ độc tài CSVN vô cùng bất công không sao kể xiết. Sau khi ăn cơm xong, vợ chồng thầy Sáng đưa chúng tôi tới thăm một vài gia đình khác, cũng vẫn những câu chuyện về tình hình bất công vô trách nhiệm của những người lãnh đạo chính quyền CSVN, từ địa phương đến tối cao trung ương đối với nhân dân. Chúng tôi tới nhà ông Thành nguyên cán bộ VKSND, tiếp đến vợ chồng ông Khánh, một cặp vợ chồng đã trải qua nhiều nỗi oan ức trong chế độ đảng trị này – bởi bàn tay của những lãnh đạo cộng sản và tay chân của chúng. Ông bà Khánh đã bị họ cướp đất để bán cho người khác sau đó chúng còn cho người đánh ông Khánh suýt chết. Thật là bè lũ CSVN mặt người dạ thú khoác áo nhân từ bịp lừa dư luận quá điêu luyện và chuyên nghiệp.
Qua cuộc nói chuyện với ông Khánh, tôi thực sự xúc động trước tinh thần tranh đấu mạnh mẽ của bản thân ông cũng như ý thức tập hợp lực lượng tranh đấu tại quê hương mình. Cũng tại đây những người dân các huyện khác như Anh Sơn, Nghĩa Đàn, những người dân đã tập hợp được một số nhân vật đấu tranh có nhiệt huyết trong tỉnh. Họ đã từng ra tận trung ương đảng cộng sản ở ngoài Hà Nội để tranh đấu biểu tình và tiếp tục các bước tiếp theo. Biết bao nhiêu người đã bị tù đày trong nhà tù cộng sản bạo tàn, nhưng tinh thần của họ vẫn khẳng khái. Một điều đáng buồn ở xứ sở quá xa xôi này đó là trình độ dân trí còn thấp nên mọi thông tin bị hạn chế, từ đó nhà cầm quyền cộng sản tha hồ đàn áp dân chúng.
Nhiều người trong huyện lân cận gọi điện mời chúng tôi đến thắm để tìm hiểu thủ tục khiếu kiện ra tòa án Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc về những vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam. Bà con liên tục đề nghị chị Khương và tôi lên tiếng cho cảnh ngộ khốn khổ của họ. Trong cuộc thăm viếng này có một số người dân tham gia tranh đấu đã cùng nhau bàn bạc tập trung một lực lượng đối kháng tại   tỉnh nhà cương quyết tranh đấu đến cùng đòi lại công bằng xã bội , đòi quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam.
Tôi chỉ đơn thuần là một mục sư Tin Lành lo hầu việc Chúa và rao Tin Lành. Thành thật mà nói tôi rất muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ họ thế nhưng khả năng rất giới hạn. Tôi chỉ biết tiếp tục cầu nguyện cho họ, để họ có cơ hội nhận biết Chúa và tìm thấy Chân Lý ở giữa cuộc đời bất công tăm tối này.
Tôi nhớ một đoạn Kinh Thánh trong sách (Giê-rê-mi 4: 7-11) “Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. Nó cũng như cây trồng gần bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.
Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa: Ai có thể biết được? Ta, Đức Giê-hô-va dò xét trong trí thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy theo kết quả của việc họ làm.
Kẻ nào được giàu có chẳng theo sự công bình, cũng như chim đa-đa ấp trứng mà mình chẳng đẻ ra; đến nửa đời người, nó phải mất hết, cuối cùng nó thành ra là ngu dại ư?”.
Giá như dân tộc Việt Nam nhận biết Đức Chúa Trời và nương cậy nơi Ngài thì dân tộc Việt Nam hôm nay chắc không phải chịu những bất công như vậy! Những người dân Việt Nam đã và đang bị Đảng Cộng Sản lừa dối dẫn đi theo chủ nghĩa vô thần hư không. Do tin vào quan niệm vật chất tạo nên ý thức, họ tìm mọi cách để chiếm cho mình thật nhiều của cải ngay trên xương máu của nhân dân để rồi xây dựng trong lòng họ một ý thức vô cảm trước đau khổ của nhân dân. Những nhà lãnh đạo Cộng Sản độc tài Việt Nam không biết rằng những gì mà họ đã và đang làm sẽ giết chết họ ngay từ trong gia đình của họ, ngay trong Đảng của họ!
Thượng đế không chịu khi dễ đâu! Ngài để cho họ tự mình sa vào chỗ diệt vong. Bởi những hành động bất nhân phi nghĩa lừa dối của họ nhất định sẽ bị Thượng Đế ra tay trừng phạt. Nhưng Tổ Quốc Việt Nam thân yêu này vẫn mãi là của nhân dân Việt Nam, điều đó đến sớm hay muộn còn tùy thuộc vào sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam chúng ta!
Chúng tôi ra về mà lòng lắng đọng những miên man suy nghĩ; chẳng biết bao giờ hình ảnh của những người dân nghèo Việt Nam đang thất thanh kêu cứu trước sự vô cảm của những người lãnh đạo vô thần, độc tài gian ác mới có thể chấm dứt trên mảnh đất thân yêu mà chính họ đã phải hy sinh bao công sức để xây dựng nên?
Ngày 17-1-2010 một cuộc hội ngộ gồm các nhân vật tranh đấu tiêu biểu của dân oan của mấy huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ diễn ra tại gia đình chị Hồ Thị Bích Khương
Tôi đã cảm thấy có thêm niềm tin hy vọng, Tôi nguyện cầu xin Thiên Chúa ban cho họ sức mạnh tinh thần để tiếp tục vượt lên trên hoàn cảnh để tiếp tục sống xứng đáng với địa vị một công dân Việt Nam yêu tự do dân chủ và công bằng.
Ngày mai ngayg 16-3-2010 công an phường Đội Cung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An mời tôi đến làm việc về vụ thu giữ xe máy ngày 23-2-2010 tôi đến trước và nay ghi lại chuyến thăm dân oan đầu năm dấu ấn kỷ niệm về mảnh đất có truyền thống đấu tranh anh dũng này.
Nghệ An ngày 15/3/2010
Nguyễn Trung Tôn

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Ban nguyet san Tu Do Ngon Luan so 172 (01-06-2013)

Dân vận của Cộng và Cộng vận của Dân !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 172 (01-06-2013)
            Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Cộng đảng, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 sáng ngày 11-05-2013, đã đề cập đến một vấn đề quan trọng mang tính sống còn đối với đảng: đó là vấn đề tuyên truyền, núp dưới mỹ từ “dân vận”: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay”. Lý do là: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những hiện tượng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng là thách thức đối với mối liên hệ giữa dân với Đảng”. Nói cho đúng, đảng nhận ra rằng dân càng ngày càng thấy rõ: với việc hành xử độc quyền, xây dựng một nhà nước công an trị, phát triển nền kinh tế chỉ có lợi cho đảng, tạo ra hiện tượng chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, củng cố và bành trướng tệ quan liêu tham nhũng, xâm phạm không những quyền làm chủ của nhân dân mà cả quyền tự quyết của dân tộc, đảng đã trở thành kẻ thù của đất nước. 
            Điều đó khiến đảng hoảng hốt: “Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì Đảng mới có sức mạnh, mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thật ra, trong lịch sử, mối liên hệ giữa dân với đảng chưa bao giờ là liên hệ máu thịt mà là liên hệ sắt máu, và đảng đã lợi dụng niềm tin của dân để đảng có sức mạnh mà thống trị và xây dựng một chế độ độc tài tàn hại cả Tổ quốc.
            Tiếp đó Ng. Phú Trọng chỉ ra “tinh thần của việc dân vận”: “Phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Thường xuyên chỉnh đốn, xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền trong sạch, vững mạnh; mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước phải vì dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tận tuỵ với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo”. Rõ ràng là kiểu hô hào rỗng tuếch và mỵ dân đểu giả (41 từ “dân” trong đoạn về dân vận). Vì thực tế gần 60 năm thống trị của đảng, dân chỉ là bung xung che chắn, khiên mộc đỡ đòn, động vật thí nghiệm. Đảng đã luôn coi dân như con cái để dạy dỗ, như con ở để sai bảo, như con tin để mặc cả. Và nay dân vẫn là bầy nô lệ.
            Cuối cùng, Nguyễn Phú Trọng nêu phương thức hành động: (1) “Tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận”, nghĩa là tiếp tục xem tuyên truyền lừa gạt như một trong ba chân của cái kiềng vững chãi (hai chân kia là bạo lực và bưng bít); (2) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước đến với nhân dânnhững chủ trương đường lối, luật pháp chính sách tựu trung củng cố quyền lực, thâu tóm quyền lợi cho đảng. Cụ thể là qua việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi HP, đảng muốn bắt nhân dân phải chấp nhận sự thống trị vĩnh viễn của đảng, bắt quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng, bắt toàn dân phải trao quyền sở hữu đất đai vào tay đảng; (3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về các hoạt động thông tin, truyền thông, định hướng dư luận xã hội; kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với các thông tin xấu, độc hại, nhất là qua mạng InternetĐảng đang tích cực làm điều này qua việc nắm chặt hàng ngàn báo viết, báo hình, báo điện tử công cụ với hàng chục ngàn phóng viên vô liêm sỉ, qua việc ngày càng củng cố lực lượng trí thức gia nô, ký sinh ăn bám vô tư cách trong các trường đảng, đại học, học viện công an quân đội, viện nghiên cứu các ngành, qua việc chiêu mộ thêm lực lượng (nay lên tới cả 100.000) dư luận viên chuyên viết những bình luận bênh đảng cách ngu xuẩn ngang ngược, thậm chí thô tục mất dạy, qua việc đào tạo thêm hàng ngàn tên tin tặc ngày đêm lùng sục để phá hoại hoặc chỉ điểm những trang mạng, dân mạng dám nói sự thật và bênh vực lẽ phải; (4) Kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với ĐảngThật ra thì đảng ngày càng trở nên một bầy sâu lúc nhúc, chẳng đảng viên nào trị được đảng viên nào (nhất là ở thượng tầng lãnh đạo), vì anh nào cũng có tì vết, cũng bị đối thủ (thậm chí Tàu cộng) nắm đầy đủ hồ sơ, tố nhau là chết cả lũ. Trong đảng cũng đang hình thành các phe phái chỉ biết tranh chấp quyền lực và giành giật quyền lợi, bỏ mặc dân tình khốn khổ, xã hội hỗn loạn, đạo đức suy đồi và an ninh Tổ quốc lâm nguy; (5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là về đời sống, công ăn việc làm, giải tỏa, đền bù đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, cải cách thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng tiêu cực, phiền hà; ách tắc và tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội…” Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước từ trung ương đến cơ sở chỉ là hiệu lực đàn áp bóc lột, hiệu quả tham nhũng phá hoại. Quốc hội vẫn tiếp tục mù quáng nghe lệnh Bộ chính trị để cương quyết không trao quyền tư hữu đất đai cho nhân dân. Dân oan vẫn hàng ngàn đoàn người khiếu kiện trong tuyệt vọng, trong huyết lệ, và kết thúc lộ trình khổ ải bằng thương tật nơi bệnh viện vì bị đánh đấm, bằng cái chết bên đường vì đói và bệnh, hay bằng những cuốn lịch trong nhà tù vì đã dám “chống người thi hành công vụ”, “phá hoại chính sách phát triển của nhà nước”. Dân lành vẫn hàng triệu triệu điêu đứng trên đường vì nạn công an giao thông đòi hối lộ, nạn côn đồ lộng hành cướp giật như chỗ không người, vẫn hàng triệu người vong mạng mỗi năm vì tai nạn xe cộ, vì bằng lái bán tràn lan, vì công trình đường sá cầu cống bị rút ruột. An sinh xã hội thì bị bỏ mặc với các công ty bảo hiểm hoạnh họe đủ điều, khắt khe xét đoán, với các bệnh viện thu phí trên trời, bán cả thuốc dổm, với các bác sĩ coi khinh bệnh nhân, tắc trách bổn phận, đòi hối lộ công khai, gây tử vong còn thoái thác trách nhiệm… (6) Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng. Kiện toàn, nâng cao năng lực dân vận của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ thường xuyên có quan hệ, tiếp xúc trực tiếp với dân. Đổi mới mạnh tác phong công tác, thật sự gần dân, trọng dân, học dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Phong trào thi đua yêu nước này dĩ nhiên không phải là biểu tình chống Trung cộng xâm lược (đáng bị dẹp bỏ), không phải là dã ngoại để thảo luận về nhân quyền (đáng bị cấm cản), không phải là đòi công lý cho dân oan (đáng bị phê bình) và càng không phải là sáng tác ca khúc về đất nước, tham gia các đảng phái dân chủ, viết bài tẩy chay bầu cử giả hiệu, rải truyền đơn bảo Tàu khựa cút khỏi Biển đông, viết khẩu hiệu máu nguyền rủa đảng Cộng sản (đáng bị tống ngục nhiều năm dài). Công tác dân vận, gần dân, trọng dân, học dân chính là công an, mặt trận, dân phòng, đoàn viên, côn đồ… theo dõi nhân dân ngày đêm để nghe ngóng tiếng nói, rình rập bước đi, dò xét hành động; để đứng chặn cửa cổng, ngăn cản sinh kế, tước đoạt máy móc, cướp giật tài liệu; để cưỡng bức về đồn, lột trần y phục, đánh cho tả tơi, buộc phải nhận tội. Và một khi dân không may vào tù vì công lý, thì dân vận chính là dùng biện pháp cắt thăm nuôi, cấm gởi thuốc, không chữa bệnh để bẻ gẫy ý chí, buộc tù nhân hối lỗi và xin khoan hồng….
            Đấy mới là thực chất cuộc dân vận của Cộng sản, cái đảng ngày càng lộ nguyên hình là mafia quốc gia, nòi vong bản bán nước, ông chủ ác với dân và tôi tớ hèn với giặc, nhưng vẫn mù quáng tin vào sự dối trá ngụy biện, sự đàn áp thẳng tay, sự dồi dào phương tiện (sẵn sàng chi 200 triệu đô để dựng lên trang mạng cho đoàn Thanh niên CS), để tiếp tục chính sách ngu dân, đầu độc giới trẻ và lèo lái dư luận xã hội, ngõ hầu thống trị lâu dài.
            · Nó không ngờ rằng với những kỹ thuật thông tin hiện đại của thế giới như phương tiện, với những màn lừa gạt và bạo hành của nhà cầm quyền như kháng nguyên, với những tấm gương anh hùng của các nhà đấu tranh đủ mọi hạng tuổi như chất xúc tác, nhân dân đang có một hành động trả đũa xứng hợp là Cộng vận.
            Hàng trăm trang web, hàng ngàn trang blog, hàng vạn trang twitter, facebook đang là lực lượng truyền thông của những công dân thương nước thương nòi, yêu tự do dân chủ. Để cộng vận, họ quyết vạch trần sự giả trá của các thần tượng như Lê Văn Tám, Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi…, những sai lầm của chủ thuyết Mác-Lê và tội ác của chế độ, kể từ lãnh tụ họ Hồ, các Tổng bí thư đến các Bộ chính trị, các ủy viên trung ương đảng, kể từ cán bộ to đến cán bộ nhỏ, kể từ cuộc chiến Đông Dương I vô ích, cuộc chiến Đông Dương II vô nghĩa, đến cuộc chiến chống nông dân trong Cải cách ruộng đất, chống trí thức trong Nhân văn Giai phẩm, chống dân lành trong Thảm sát Mậu Thân…. Như Cửu Bình đã gây nên phong trào thoái đảng mạnh mẽ bên Tàu cộng, những tác phẩm của họ đang khai sáng tâm trí cho những đảng viên mù quáng hay bị bưng bít đầu độc. Họ quyết thực hiện cuộc “góp ý nhận định chân thực về Hiến pháp” dù bị mạ lỵ, cuộc “bỏ phiếu cùng Quốc hội” về các thành viên chính phủ dù bị bắt tù, quyết thực việc “lên tiếng như những công dân tự do” dù bị sách nhiễu,  việc “kêu gọi những kẻ lầm đường lạc lối hãy bỏ đảng” dù bị trù dập tứ bề.     
            Nhưng với ánh sáng của sự thật, sức mạnh của lẽ phải, sự tỉnh táo trong đầu óc, sự kiên trì trong ý chí và lòng nhân ái trong con tim, cuộc cộng vận của Dân cuối cùng sẽ thành tựu.
            BAN BIÊN TẬP

Linh mục Nguyễn Hữu Giải
nhận định về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
(Phỏng vấn và trả lời 28-05-2013)
            1- Nhà nước công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân, Linh mục nghĩ sao về việc này?
            · Đây là việc làm chính đáng và cần thiết. Vấn đề là Hiến pháp phục vụ ai, xây dựng dân quyền hay đảng quyền? Nghĩa là những dân quyền (và nhân quyền) trong Hiến pháp phải làm sao được hiểu đúng, được tôn trọng, được bảo đảm trên lý thuyết lẫn trong thực hành. Không thể hữu danh vô thực, có tiếng mà không có miếng, toàn là bánh vẽ như lâu nay!
            2- Nhiều nơi nhà nước gởi tới từng nhà dân văn kiện Hiến pháp 1992 và bản Dự thảo sửa đổi để xin góp ý rộng rãi. Tại địa bàn hoạt động của Linh mục (giáo xứ), có như vậy không?
            · Có như vậy! Ngoài 2 văn bản trên (đối chiếu nhau), người dân nhận được một tờ xác nhận đã được trao 2 văn bản, phải ký liền tại chỗ, và một tờ góp ý với nội dung: 1- Ý kiến chung về Dự thảo (không nói rõ là có quyền bất đồng ý); 2- Ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung điều khoản nào đó… Tờ góp ý này cán bộ địa phương sẽ thu hồi một hai ngày sau.
            3- Người dân phản ứng ra sao?
            · Nhà thì nhận lấy, nhà không. Nơi thì cán bộ đi thu hồi, nơi lại bỏ mặc. Chẳng rõ vì sao?
            Riêng các gia đình Công giáo, được các linh mục hướng dẫn thực tế, đã đón nhận và ghi vào tờ góp ý rằng: Chúng tôi không đồng ý với Dự thảo HP mà chỉ đồng ý với những nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 01-03-2013. Có người còn gửi kèm theo (bản trả lời) Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam nữa.
            4- Linh mục nghĩ thế nào về những nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam?
            · HĐGMVN khẳng định những điểm căn bản về Hiến pháp: các quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, việc thi hành quyền bính chính trị, và xác định rõ nội dung các quyền này. Chúng gắn liền với phẩm giá con người, mang tính phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng.
            HĐGMVN đã nêu lên những nhận định thực tế, phong phú. Phân tích những mâu thuẫn và tính bất hợp lý ngay trong nội dung Hiến pháp hiện hành, những bất hợp lý trong thực tế cuộc sống, nguồn gốc của vô số bất công hiện nay.
            HĐGMVN đưa ra những đề nghị tuyệt vời, tràn trề hy vọng cho toàn dân Việt Nam.
            5- Linh mục có nhận được tờ xin góp ý của Nhà nước không?
            · Ngày 04-05-2013, cán bộ Ủy ban nhân dân xã Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế có đến trao cho tôi bảng so sánh Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 60 trang khổ lớn và tờ góp ý.
            Trước hai cán bộ xã, tôi ghi ngay vào tờ góp ý như sau: Chúng tôi nhất trí với 12 đề nghị của HĐGM VN trong các mục của thư góp ý ký ngày 01-03-2013. Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hết sức coi trọng, thực tình lắng nghe các ý kiến ấy, và can đảm quyết định cho hợp lý và nhất là hợp lòng dân. Rồi tôi đính kèm văn thư nhận định và góp ý của HĐGMVN.
            6-  Hiện giờ Nhà nước đang áp dụng Nghị định số 92 đối với các tôn giáo. Linh mục nghĩ gì về Nghị định này?
            · Tháng 3 vừa rồi, ở Huế, một số linh mục và chức sắc các tôn giáo khác được mời học tập Nghị định này để “nghiêm túc chấp hành”!?!
            Theo tôi, có hai điểm phải nêu lên cho quyền tự do tôn giáo: Một là mọi văn bản pháp luật nằm dưới Hiến pháp không được đặt ra những điều khoản hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân, trái lại phải tạo điều kiện thuận lợi cho quyền đó. Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 (còn hiệu lực) thực chất là sợi xích sắt 5 vòng, và Nghị định 92 hiện áp dụng nó là một cái rọ nhốt các Giáo hội.
            Hai là thực ra không cần và không được có luật gì dưới Hiến pháp lấy các tôn giáo, các Giáo hội làm đối tượng. Pháp lệnh tôn giáo hiện hành, theo ý nghĩ và mục đích của nhà cầm quyền, là để quản lý tôn giáo cách đặc biệt mà họ luôn nghi ngờ và thù ghét. Nhưng tự bản chất, các tôn giáo (các Giáo hội) chỉ là những xã hội dân sự bên cạnh những xã hội dân sự khác, và mọi thành viên trong các Giáo hội cũng là những công dân trong xã hội. Dù là tín đồ, nhưng trước hết là công dân, họ có các nhân quyền và dân quyền cơ bản vốn đã được xác định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và hai Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Văn hóa và xã hội.
            Các luật dưới Hiến pháp có bổn phận làm rõ lẫn bảo vệ những quyền ấy, và mọi người, kể cả tín đồ, chỉ cần chấp hành các luật lệ liên quan đến các quyền đó là đủ. (còn cộng đoàn tôn giáo của họ thì chấp hành các luật chung và chính đáng về xã hội dân sự). Thành thử không có vấn đề cần đặt ra luật riêng cho các tôn giáo dưới tên gọi Pháp lệnh, Nghị định…
            7- Linh mục hy vọng gì ở Hiến pháp tương lai?
            · HĐGMVN đã có những phân tích, nhận định sâu sắc, thực tế về một số mục cũng như về toàn bộ tinh thần và nội dung của Dự thảo. Các tôn giáo, các nhà trí thức, các phong trào và nhiều công dân cũng đã có những đóng góp tâm huyết hầu tìm ra một HP đúng đắn, đích thực cho dân cho nước. Nhưng vì HP ấy chỉ có thể hình thành từ một Quốc hội của dân, do dân, vì dân chứ không phải của đảng, vì đảng như hiện thời, nên vấn đề tiên quyết vẫn là phải có một Quốc hội đúng nghĩa, thay vì một “đảng hội gia nô” đang ngồi ở Hà Nội.
            Hiện giờ, về việc góp ý cho HP, Nhà nước có những cách thức đưa tin sai trái, những thủ đoạn cưỡng bức hù dọa rộng khắp, xin góp ý mà cứ bắt theo “lề phải”. Nếu cứ như thế, chắc chắn người dân Việt Nam sẽ mãi mãi bị giam cầm trong ngục tù cộng sản vô thần, độc tài toàn trị thay vì được hưởng chân lý, tự do, công bình và tình thương trong một xã hội tự do dân chủ.
            Chúng ta vì vậy càng phải sáng suốt, tích cực, hiệp nhất, kiên trì đấu tranh bằng mọi cách phi bạo lực, cho mau có một Quốc hội chân chính, từ đó đẻ ra một Hiến pháp đúng nghĩa, để xây dựng một Xã hội dân chủ và phồn thịnh.
            Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho dự tính tốt đẹp này của tất cả chúng ta./.